Kiến thức phẩu thuật thẩm mỹ
Một số tai biến của tiêm chất làm đầy và cách xử trí
Tiêm chất làm đầy là một trong những kỹ thuật của thẩm mỹ nội khoa được Bộ Y Tế Việt Nam bổ sung vào danh mục kỹ thuật của chuyên khoa Da Liễu từ năm 2017. Chất làm đầy có nhiều chỉ định trong thẩm mỹ nội khoa như : xóa các nếp nhăn tĩnh ( nếp nhăn trán, nếp nhăn gian mày, nếp nhăn dưới mi mắt, nếp nhăn rãnh mũi má…) và tạo dáng khuôn mặt ( nâng mũi, độn cằm, tạo hình môi,..)
Dựa vào thời gian tác dụng, chất làm đầy được chia thành 3 nhóm chính: nhóm có tác dụng tạm thời ( thời gian tác dụng dưới 1 năm, gồm các loại như: collagen, hyaluronic aci), nhóm có tác dụng bán bền vững ( thời gian tác dụng từ 1 đến 2 năm, gồm các loại như : poly-L-lactic acid, calcium hydroxypatide), nhóm có tác dụng bền vững ( thời gian tác dụng > 2 năm, gồm các loại như : silicone, polymethymethacrylate, polyacrylamide).
Ưu điểm của chất làm đầy là có nhiều ứng dụng trong thẩm mỹ nội khoa, có hiệu quả tức thì sau khi tiêm. Tuy nhiên, nếu tiêm không đúng kỹ thuật cũng sẽ có nhiều tai biến từ nhẹ, thoáng qua như : đau, bầm máu, hồng ban, nhiễm trùng… đến nặng như: hoại tử mô, mù mắt, đột quỵ… ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, sức khỏe, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân
Tai biến của tiêm chất làm đầy và cách xử trí
Các tai biến sớm ( vài giờ đến vài ngày sau tiêm)
Phản ứng tại chỗ tiêm
Đau: là tác dụng phụ thường gặp trong suốt quá trình tiêm. Để giảm thiểu cảm giác đau có thể sử dụng kim cỡ nhỏ hoặc cannula đầu tù, sử dụng thuốc tê tại chỗ, chườm lạnh sau tiêm.
Hồng ban: thoáng qua, điều trị bằng uống kháng histamin, bôi corticosteroid. Trong trường hợp hồng ban kéo dài. Sau khi loại trừ phản ứng quá mẫn hoặc nhiễm trùng, có thể sử dụng đèn LED hoặc IPL để điều trị.
Phù nề tại chỗ : Các vùng thường ảnh hưởng là vùng môi và vùng quanh mắt. Điều trị: chườm lạnh, kháng histamin, uống prednisone thời gian ngắn.
Bầm tím : Do xuất huyết. Phòng ngừa: tránh dùng các thuốc kháng đông và NSAIDs ( Có thể giảm thiểu bầm tím sau tiêm bằng cách ngừng uống aspirin, NSAIDs, các chất chứa ginkgo biloba, vitamin E, omega-3. dầu cá, ginseng…1 tuần trước khi làm thủ thuật). Tiêm cẩn thận, tránh vùng mạch máu. Sử dụng cannula đầu tù. Tránh tiêm nhanh với lượng nhiều. Điều trị: chườm lạnh
Tiêm chất làm đầy sai cách dẫn đến những hậu quả khôn lường
Phản ứng quá mẫn
Chiếm tỉ lệ khoảng 0,6% , phản ứng này thường gặp khi dùng chất làm đầy có nguồn gốc từ động vật (collagen từ bò). HA không xuất phát từ động vật (non- animal – de – rived hyaluronic acid = NADHA) thì khá an toàn. Phản ứng quá mẫn có thể đỏ nhẹ hiếm khi sốc phản vệ. Khoảng 50% các trường hợp thoáng qua và hồi phục sau 3 tuần.
Chất làm đầy được xem là vật lạ, một số bệnh nhân bị mẫn cảm với các thành phần tiêm thông qua IgE (quá mẫn typ I). IgE kích thích các tế bào mast thoái hóa, giải phóng protease, heparin, histamin, cytokine, prostaglandins, leukotriens và yếu tố kích hoạt tiểu cầu dẫn đến phù nề, hồng ban và ngứa. Phù mạch có thể xảy ra trong vòng vài giờ sau khi tiếp xúc, phù nề có thể giới hạn tại vị trí tiêm hoặc lan rộng. Phản ứng có thể nặng và kéo dài vài tuần. Phản ứng quá mẫn muộn thông qua đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Thường xảy ra 1 ngày sau tiêm và có thể tồn tại trong nhiều tháng.
Phòng ngừa : test trước khi tiêm, chuẩn bị hộp chống sốc.
Điều trị : kháng histamin, NSAIDs, cor-ticosteroid uống ngắn ngày
Hiệu ứng Tyndall
Do tiêm chất làm đầy quá nông với lượng nhiều, biểu hiện bằng sự biến đổi màu da sang màu xanh tại vùng tiêm. Hiệu ứng Tyndall gây ra do ảnh hưởng một phần bởi hemosiderin sau tổn thương mạch máu hoặc biến đổi ánh sáng nhìn thấy được trên da do hiện tượng tán xạ. Thường gặp ở vùng dưới mi mắt dưới và vùng quanh miệng, nếp mũi má.
Phòng ngừa: Tiêm đúng kỹ thuật
Điều trị: Massage tại chỗ, loại bỏ chất làm đầy bằng kim và syringe, nhiều trường hợp phải yêu cầu rạch và dẫn lưu, tiêm hyal-uronidase 15-50UI ( đối với HA)
Nhiễm trùng
Tiêm chất làm đầy tạo 1 lỗ thủng trên bề mặt da, làm mất tính nguyên vẹn của bề mặt da tạo điều kiện cho các tác nhân vi khuẩn, virus hoặc nấm xâm nhập.
Abscess hoặc viêm mô tế bào do tụ cầu vàng, liên cầu, tái hoạt HSV, nhiễm myco-bacteria không điển hình
Phòng ngừa: đảm bảo kỹ thuật vô trùng.
Điều trị:
Tái hoạt virus HSV: đối với bệnh nhân có tiền sử herpes tái phát vùng mặt ( >3 lần/ năm), sử dụng acyclovir 400mg x 3 lần/ ngày trong 10 ngày hoặc valacyclovir 500mg x 2 lần/ ngày trong 7 ngày, bắt đầu uống 2 ngày trước khi làm phẩu thuật.
Abscess và viêm mô tế bào: clarithro- mycin 500mg và minocycline 100mg x 2 lần/ trong 4- 6 tuần. Tránh sử dụng hy-aluronidase trong giai đoạn còn nhiễm trùng vì dễ tạo điều kiện nhiễm trùng lây lan sang các mô lân cận.
Tắc mạch
Do tiêm trực tiếp vào trong mạch máu hoặc do đưa 1 lượng lớn chất làm đầy vào khu vực hẹp gây nên sự chèn ép mạch máu. Nếu tắc mạch tại chỗ gây hoại tử mô. Nếu tắc mạch xa như tắc động mạch võng mạc gây mù hoặc tắc động mạch máu não gây thiếu máu não cục bộ.
Hoại tử mô
Tắc động mạch: xảy ra tức thì, da tái nhạt, đau, nếu không điều trị vùng da tiêm xuất hiện hồng ban dạng lưới, xuất huyết, hoại tử để lại sẹo xấu.
Tắc tĩnh mạch : xuất hiện muộn hơn, đau ầm ỉ, phù nề, hồng ban dạng lưới. Những triệu chứng này cũng dễ nhầm với các đặc điểm bầm tím, đau, phù nề nhưng nếu mức độ ngày càng nghiêm trọng và đau liên tục thì phải nghĩ đến tắc tĩnh mạch
Vùng nguy cơ cao : Nếp nhăn gian mày, nếp mũi má, mũi, trán.
Phòng ngừa : tránh tiêm bolus, tránh dùng kim thân nhỏ nhọn, tránh bơm với áp lực cao, dùng cannula.
Điều trị :
– Ngừng tiêm ngay lập tức
– Hyaluronidase
– Chườm ấm (5-10 phút, mỗi 1-2h)
– Massage tích cực với mục đích kích thích giãn mạch.
– Prednisone 20-40 mg/ ngày trong 3-5 ngày
– Dán Nitroglycerine 2% (1/2 inches) 2-3 lần/ ngày, dùng hàng ngày.
– Uống 2 viên aspirin 325mg hàng ngày trong 1 tuần để ngăn chặn sự hình thành cục máu đông.
– Theo dõi hàng ngày.
Tắc động mạch trung tâm võng mạc gây mù mắt
Do tiêm chất làm đầy vào động mạch trên ròng rọc, động mạch trên ổ mắt, động mạch góc, động mạch lưng mũi ( nhánh động mạch mắt). Chất làm đầy chảy ngược gây tắc mạch ở động mạch mắt và gây tắc động mạch võng mạc. Nếu tiếp tục bơm với áp lực cao, chất làm đầy có thể vào động mạch cảnh trong, đẩy tới tuần hoàn não gây thiếu máu não cục bộ.
Lâm sàng : giảm thị lực, đau vùng mắt, nhức đầu, mất thị lực.
Vùng nguy cơ cao : gian mày, mũi, nếp mũi má, trán .
Phòng ngừa :
– Nắm vững giải phẫu mạch máu vùng tiêm.
– Tiêm áp lực thấp với lượng nhỏ ( < 0,1 ml/ lần tiêm).
– Pha loãng với lidocaine hoặc epi-nephrine
– Dịch chuyển kim khi tiêm
– Sử dụng cannula đầu tù
Điều trị :
– Ngưng tiêm chất làm đầy ngay lập tức
– Tiêm hyaluronidase 200 UI nếu chất làm đầy là HA
– Tiêm hậu nhãn cầu hyaluronidase 300-600 UI nếu HA
– Đắp gạc ấm 5-10 phút
– Massage tích cực
– Dán Nitroglycerin 2% (1/2 inches)
– Chuyển bệnh nhân đến “ Trung tâm cấp cứu chất làm đầy”
Các tai biến muộn ( vài tuần đến vài năm sau tiêm )
U hạt do dị vật
Phản ứng viêm mạn tính, rất hiếm gặp, chiếm tỉ lệ 0.1- 1%. Xuất hiện muộn, từ vài tháng đến vài năm sau khi tiêm. Cơ chế vẫn chưa rõ, có thể HA chứa 1 lượng pro-tein “ bẩn” sau khi tinh chế gây phản ứng quá mẫn và hình thành u hạt
Điều trị:
– Kháng sinh uống
– Corticosteroid toàn thân hoặc tiêm trong sang thương
– Tiêm 5- FU
– Hyaluronidase 150 UI/ ml ( đối với chất làm đầy HA)
Dịch chuyển chất làm đầy
Là kết quả từ sự dịch chuyển do cơ hoặc trọng lực gây ra bởi chất làm đầy. Sự dịch chuyển có thể xảy ra khi tiêm chất làm đầy quá nông hoặc những vùng cử động nhiêu như môi, mi mắt… Tai biến này thường xảy ra khi tiêm calcium hydroxylapatite vào môi.
Sẹo sau tiêm chất làm đầy: bệnh nhân có thể bị sẹo lồi sau tiêm chất làm đầy
Bạn có thể xem thêm bài viết về kỹ thuật tiêm filler, biến chứng và hậu quả khi tiêm không an toàn tại đây
Kết luận
Tiêm chất làm đầy là một kỹ thuật của thẩm mỹ nội khoa. Vừa có tác dụng xóa các nếp nhăn tĩnh, vừa tạo dáng khuôn mặt. Ưu điểm của tiêm chất làm đầy là có hiệu quả ngay tức thì. Đáp ứng được nhu cầu làm đẹp của khách hàng. Tuy nhiên, nếu tiêm không đúng kỹ thuật sẽ gây ra rất nhiều tai biến ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chất lượng cuộc sống và sức khỏe của bệnh nhân.
PHÒNG KHÁM CHUYÊN KHOA DA LIỄU PENSILIA
- Giấy phép hoạt động cơ sở khám chữa bệnh số: 076046/HCM-GPHĐ do sở Y tế Tp. HCM cấp;
- Bác sĩ Chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật Khoa Da liễu: BS CK1 Nguyễn Phương Thảo; Chứng chỉ hành nghề: 0037003/HCM-CCHN.
- Được bảo hiểm rủi ro bởi Chubb Life.
- Đạt chứng nhận THƯƠNG HIỆU SẢN PHẨM DỊCH VỤ CHĂM SÓC SỨC KHỎE, SẮC ĐẸP VIỆT NAM.
- Thành lập từ năm 2011, có 3 chi nhánh tại 03 tỉnh thành phố:
– Pensilia Hồ Chí Minh: 413 – 415 Nguyễn Đình Chiểu, P5, Q.3, TP.HCM
– Pensilia Vũng Tàu: 187 Lê Lợi, P. 6, Tp. Vũng Tàu
– Pensilia Biên Hòa: Tầng lửng, Pegasus Plaza, 53-55 Võ Thị Sáu, P. Quyết Thắng, TP. Biên Hòa, Đồng Nai